Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Bối rối như… Chi hội múa rối

Cuối tháng 11/2004, một Chi hội múa rối trực thuộc Hội Sân khấu TP HCM đã được thành lập với sự chứng kiến của nhiều tên tuổi kỳ cựu của ngành này.

1. Quá khứ vẻ vang

Giữa thập niên 80 đến năm 1993 được đánh giá là thời kỳ sôi nổi nhất của hoạt động múa rối TP, bởi ở thời kỳ này, múa rối hầu như là món ăn tinh thần duy nhất của các em thiếu nhi,với hàng lọat các đội rối nổi tiếng: đội rối Nụ Cười quận 1, đội Rối Thiếu nhi quận 3, Tuổi Xanh của quận 4, Xinh xắn - quận 6, Búp bê - quận 11, rối Baby - Nhà văn hóa Thiếu nhi TP, Thằng Bờm của quận 11, Doremi - quận Tân Bình…

Một tiết mục rối dây của Đoàn nghệ thuật múa rối Tp.HCM

Múa rối chen chân vào các trường học, múa rối ở các sân khấu dã chiến các quận huyện vào các dịp lễ tết, và múa rối lan rộng ra khắp các tỉnh thành phía Nam như Khánh Hòa, Đồng Nai, Đà lạt, Bình Dương, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang…

Cuộc Liên hoan định kỳ hàng năm do Đoàn múa rối TP kết hợp các tỉnh thành tổ chức vào năm 1989 đã qui tụ được con số kỷ lục: 22 đội rối tham gia, với rất nhiều thành quả cụ thể: Ra mắt vở rối sân khấu đen đầu tiên: Người khổng lồ, vở rối kết hợp rối lùn và rối sân khấu khung tranh Ngày đẹp như thế nào, thậm chí còn có thử nghiệm đưa đàn ca tài tử Nam bộ vào rối…

2. Hiện trạng teo tóp

Trong lễ ra mắt Chi hội Múa rối, Hoàng Duẩn, một người trẻ hoạt động 12 năm trong ngành rối và đã có thời gian khá dài công tác tại đoàn Nghệ thuật múa rối TP, thú thật đây là lần đầu tiên anh nghe đến cái tên Nguyễn Văn Tráng - một trong không nhiều nghệ nhân tạo hình rối lâu năm mà đặc biệt là rối dây của TP.

Điều này cho thấy họat động liên kết - khai thác kinh nghiệm giữa đoàn rối với các nghệ nhân khá lỏng lẻo. Phía Nam không hề có trường lớp đào tạo nhân lực nào cho ngành múa rối, việc bỏ qua kinh nghiệm của các nghệ nhân là một thiếu sót lớn.

Trong khi đó, một điều gây thắc mắc khác là lớp diễn viên múa rối cùng lứa Hoàng Duẩn tại Đoàn rối TP - tức là lớp có kinh nghiệm biểu diễn, thâm niên khá - hầu hết đều đã rời bỏ đoàn ra đi. Lực lượng diễn viên hiện nay của rối tuyển từ …trường sân khấu, và là những hoàn cảnh “chuột chạy cùng sào”.

Các tiết mục cũ, có tiết mục như Cô ca sĩ nhí nhảnh, Cua Ốc sên, Ngư ông và cá vàng, Ăn khế trả vàng…đã khai thác hơn 20 năm nay…những con rối trơ trơ không sinh động, và diễn viên minh họa, chứ không diễn lại câu chuyện, thậm chí lại còn “nói nhép”, tức phải thuê người thu tiếng rồi nhép lại, chứ diễn viên rối không có khả năng nói…

Đó là trực trạng của đoàn rối chuyên nghiệp nhất TP. Còn tình hình chung, theo thống kê của chi hội, từ năm 1990 đến nay múa rối TP đã ngày càng teo tóp hơn. Từ con số 16/18 nay chỉ còn lại 6 quận huyện có múa rối, cùng với hai nhóm rối họat động cầm chừng là Trung tâm Múa rối Nụ cười và nhóm rối Babi của Nhà thiếu nhi TP.

3. Chi hội Múa rối - cần phải làm gì?

Ông Thanh Hiệp, phó đoàn múa rối TP, khẳng định rằng theo xu hướng chung của thế giới, nghệ thuật múa rối sẽ ngày càng trở nên phổ biến, bởi đó là một thứ nghệ thuật hết sức tinh khiết, linh họat cho tiếp thu của trẻ em. Vấn đề là làm thế nào “giành lại trẻ con về với rối”. Tuy nhiên ông cũng khẳng định trong bối cảnh không có trường lớp và chuẩn chuyên nghiệp nào, chúng ta cần khuyến khích các nghệ nhân: tài trợ, đào tạo họ. Vì với sự đam mê tìm tòi, họ sẽ là những người nuôi dưỡng và phát triển múa rối theo những hướng riêng độc đáo, hiệu quả hơn là các đoàn chuyên nghiệp cồng kềnh.

Cần đào tạo các giáo viên mầm non biết về múa rối để thông qua bộ môn này truyền tải đến các em những bài học làm người sinh động. Và một chi hội chuyên nghành chỉ nên là nơi tập hợp kinh nghiệm in sách, làm giáo trình để tiến tới việc nghệ thuật múa rối ở TP có đào tạo lý luận, có bài bản hơn.

Bổ sung cho ý kiến này, Hoàng Duẩn cung cấp tin tức thực tế: sự thật là hiện nay múa rối vẫn sống khá mạnh tại TP thông qua các nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, cũng như tại các tỉnh, thí dụ riêng huyện đảo Phú Quốc của Kiên Giang đã thành lập đội múa rối trong tháng trước. Tuy nhiên hoạt động rộng khắp mà thiếu chuyên môn, thiếu “chủ xị” về tạo hình, đạo diễn, biên kịch…

Ông Hùynh Anh Tuấn, giám đốc công ty Thái Dương, chủ nhiệm của câu lạc bộ múa rối quen thuộc Nụ cười, cũng đồng tình: Chi hội múa rối cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao các đội nhóm đi xuống để tìm cách khuyến khích họ, tổ chức các liên hoan đề cao nghề nghiệp, đúc kết kiến thức, tập hợp anh em…

Kết thúc cuộc họp, các đại biểu vẫn ngơ ngác không hiểu sau đó Chi hội sẽ… làm gì khi không kinh phí cũng không có kế họach cụ thể nào cho họat động. Và như thế, tổng kết để…lo, chứ còn bắt tay cụ thể vào làm, thì vẫn phải chờ những người có tâm huyết, sức lực và cả khả năng tài chính nào đó. Quả là…rối!

Hoài Hương - Tuổi Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét