Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Tìm hiểu về rối cạn

Nghệ thuật rối cạn dân gian truyền thống phát triển rộng khắp cả nước với nhiều tên gọi:

- Miền Bắc: ổi, Lỗi, ổi lỗi, Khối lỗi, Rối, Múa rối, Trò, Trò máy... (Việt): Mộc thầu hí (Nùng), Slương pấtlạp (Tày), Mụa rội (Mường)...

- Miền Nam: Hát gỗ, Hát hình...

Rối cạn gồm các loại: rối tay, rối que, rối máy, rối dây, rối bóng.


Rối tay ít dùng trên sân khấu, còn gặp nhiều trong trò nghi lễ chùa chiền. Rối tay thường được chế tạo đầu bằng gỗ, mình khâu vải (không tay), khi điều khiển nghệ nhân lồng bàn tay vào trong lòng khoét rỗng của đầu hoặc cầm một đoạn cán nối dài cô.

Rối que rất phổ biến, nhỏ cỡ 30-35 cm. Đầu tạc liền với mình bằng gỗ, gồm cả tóc, tai, khăn, mũ, bàn tay bằng gỗ gọt liền cổ tay. Điều khiển bằng que tre, que sắt cắm vào mình và cổ tay luồn trong áo. Không có chân, cần tạc thêm đính ngoài. Cũng có nơi, có quân tạo hình cỡ lớn, kiểu hình nhân, đầu mình đang bằng nan dùng diễn thờ, xong đem đốt. Đặc biệt đồng bào Banar tạc hình nhân khá lớn bằng gỗ dùng trong lễ bỏ mả và sau lễ bỏ lại trong nhà mồ.

Trên sân khấu, nhiều quân thì dùng thêm dây mềm điều khiển bộ phận chi tiết phối hợp với que.

Rối máy rất thông dụng cả trong đồ chơi, trò chơi và sân khấu. Toàn thân được tạc bằng gỗ riêng từng bộ phận, nối với nhau bằng khớp lỏng. Thường dùng sơn vẽ mầu thay trang phục vải. Điều khiển bằng que, dây. Nhiều quân là trò riêng. Dùng xen với rối tay, rối que. Chuyên dùng trong rối nước, đồ chơi trẻ em, rối diều, rối gió, rối pháo.

Rối dây chỉ thấy xuất hiện ở vùng biên giới Cao Bằng với tên Mộc thầu hí, Slương pấtlạp. Đầu rối bằng gỗ, mình nan đan, bàn tay gỗ, bàn máy điều khiển bằng tre, dây tơ, dây gai mềm, không có chân. Rối dùng để diễn trò và tích trò. Sân khấu thường dựng trên chòi làm sẵn ở các chợ, sòng bạc, ...

Rối bóng mới phát hiện, xưa có ở tỉnh Kiên Giang, có thể từ Campuchia truyền sang. Nay không còn.

Nghệ thuật Rối Việt Nam đã có quan hệ mật thiết với Hiệp hội múa rối thế giới, hiện có trụ sở tại Pháp (UNIMA - Union Internationnale de la M.Arionnette), và các tổ chức quanh nó: IIM (Institut International de la Marionnette - Viện Nghiên cứu Rối thế giới), ESNAM (E cole supérieure National des Arts de la Marionnette - Trường Cao học quốc gia về nghệ thuật rối), PUCK (Tạp chí Múa rối).

Nghệ thuật rối Việt Nam đã được giới thiệu rộng rãi, nhất là môn rối nước, qua các buổi liên hoan múa rối thế giới, các dịp lưu diễn và trên sách báo.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét